CÀ ĐẮNG - đặc sản không thể bỏ lỡ ở Tây Nguyên
Đắk Nông vốn là nơi hội tụ của vô vàn món ăn đặc biệt, mang những đặc trưng rất riêng của Tây Nguyên. Nào là gỏi lá rừng, đọt mây lá bép, cơm lam,... hoà cùng hương vị đó có cà đắng - một thức quà rất độc đáo mà nhất định phải nếm thử một lần khi tới Đắk Nông.
Ảnh: @dulichTayNguyen
Cà đắng - thứ quả lạ miệng nhưng lại hấp dẫn
Cà đắng là một loại cà hoang, mọc dại nhiều trên các nương rẫy, rừng núi hay ở ven đường. Hiện nay, loại cà này đã được bà con trồng khá nhiều trong vườn nhà cũng như trên các cánh đồng ruộng. Cà đắng ra quả quanh năm, trái cà dài và to hơn cà pháo của người Kinh, nó có màu xanh xen kẽ những sọc trắng.
Ảnh: Báo Đắk Nông
Đúng như tên gọi, cà đắng khi ăn có vị hơi đắng, có thể ăn sống hoặc chế biến chín. Đây là món ăn đặc sản của các anh em dân tộc thiểu số ở Đắk Nông và cũng là một món ăn hấp dẫn, lạ miệng với những người yêu thích vị đắng hay khách du lịch từ nơi khác đến. Khi ăn, bạn sẽ cảm nhận được vị đắng lan đều khoang miệng, cùng với đó là kết cấu giòn giòn dai dai của cà.
Cà đắng có thể làm ra những món ngon nào?
Cà đắng giã
Đây là món ăn dễ làm nhất của người dân tộc Ê – đê. Cà được xắt lát mỏng, ngâm qua muối loãng cho ra bớt nhựa đắng sau đó trộn cùng với cá khô rang giòn và nêm gia vị vừa ăn. Một gia vị không thể thiếu trong món cà đắng giã là vị cay xè của ớt hiểm xanh, chính vị cay “nóng mặt” đó đã góp phần tạo nên sự đặc biệt cho món cà đắng.
Ảnh: Báo Tiền Phong
Canh cà đắng
Canh cà đắng thường được nấu cùng nội tạng bò. Các nguyên liệu hòa quyện vào nhau cùng với đó là vị cay xé lưỡi của ớt, sự đậm đà, thơm lừng của lá é và củ nén tạo nên hương vị rất riêng khiến người ăn nhớ mãi không quên. Cách làm cũng khá đơn giản, cà đắng được cắt đôi hoặc cắt bốn, ngâm nước muối pha loãng, khi canh sôi thì cho vào. Sau khi cà chín thì cho thịt và phèo bò vào đun đến khi thịt nhừ, rồi cho tiếp các loại rau vào để tạo hương thơm khác lạ. Sau khi nhấc nồi canh ra thì tán nhuyễn cà, cho thêm lá é, củ nén vào là có thể thưởng thức.
Ảnh: dulichTayNguyen
Ngoài ra, cà đắng còn có thể nấu với tép khô, nấu ốc… Cà đắng ăn sống hay chín đều rất ngon và mỗi loại lại mang đến hương vị rất riêng. Có lẽ hiếm có nơi nào có được món ăn dân giã, chế biến đơn giản nhưng lại “cuốn hút lòng người” như món cà đắng ở Đắk Nông nói riêng và Tây Nguyên nói chung.
Vếch
Còn đối với món vếch - là món ăn độc đáo của người Ê đê, vếch được nấu từ một đoạn ruột non liền kề với bao tử của bò kèm gân, da, đuôi bò… nấu kèm với cả chục loại gia vị như gừng, sả, lá é, ớt hiểm, lá ngót rừng, tiêu xanh, hoa đu đủ đực, hạt kơ nia, sả cây... và đặc biệt không thể thiếu cà đắng.
Ảnh: Báo Tiền Phong
Để chế biến món vếch ông nặng mùi, người chế biến đã cẩn thận trong khâu chế biến, đoạn ruột non được chần nước sôi rồi rửa qua với nước muối. Vếch sẽ được đun trong lửa nhỏ liu riu nhiều giờ liền để miếng thịt vừa mềm vừa thơm, hòa quyện các gia vị.
Vếch bò thường được nấu trong những dịp trọng đại của người Ê đê để cúng thần linh, những tiệc lớn hoặc để đãi khách quý tới nhà. Vếch nấu chín khi ăn có vị đắng đặc trưng kết hợp hài hòa với vị chua thanh, chát, cay, ngọt và ăn kèm với một số loại lá rau rừng của Tây Nguyên.
Ảnh: @Alongwalker
Vếch ăn nóng kèm với cơm hoặc bún, khi ăn lần đầu thực khách sẽ thấy rất lạ lẫm nhưng khi đã quen miệng ắt hẳn sẽ là một trong những món ăn được nhớ tới đầu tiên khi quay lại Đắk Nông.
Có thể thấy, với cái tên độc đáo cùng hương vị lạ miệng nhưng rất lôi cuốn của mình, cà đắng đã trở thành một món ăn quen thuộc với người dân nơi đây. Trở thành một trong những biểu tượng ẩm thực mà du khách ghé qua phải nếm thử ít nhất một lần trong đời.