Cà phê phin - Nét văn hoá trong đường phố Việt Nam
Chiếc phin đã gắn liền với văn hoá uống cà phê của người Việt Nam suốt từ những năm 90, gắn với con đường phố và những chiếc ghế bệt bên hè. Vậy chiếc phin cà phê bắt nguồn từ đâu và hình thành nên văn hoá tự bao giờ. Hãy cùng nhau tìm hiểu nhé!
1. Nguồn gốc của chiếc phin đầu tiên
Những năm thế kỷ XIX, thực dân Pháp bắt đầu đem cây cà phê và chiếc phin du nhập vào Việt Nam, mục đích để phục vụ nhu cầu của tầng lớp thống trị. Dần dần, phin cà phê không còn đơn thuần là đồ vật dùng để chiết cà phê, mà trở thành nét đặc trưng trong văn hoá cà phê nước ta.
Có nhiều giả thuyết về nguồn gốc chiếc phin, từ Madras Coffee Filter có xuất xứ nguyên bản từ vùng Nam Ấn ra đời vào năm 1670. Cấu tạo ban đầu gồm: Phần chứa phía trên có một đĩa ép, đáy nhiều lỗ, là nơi thêm bột cà phê, nước và phần chứa phía dưới chuyên đựng cà phê để ủ. Hình dáng bên ngoài như một chiếc ly dài, ít có điểm tương đồng với chiếc phin cafe hiện tại – dụng cụ có các bộ phận tách rời.
Ở một giả thiết khác, nhiều người khẳng định rằng chiếc phin đầu tiên được làm ra bởi Jean-Baptise de Belloy, Tổng giám mục Paris – Hồng y Linh mục của nhà thờ St.John ở Porta Latina. Chính ông đã sáng tạo nên vật dụng pha cà phê có tên Belloy’s drip coffee pot, với mong muốn thay thế cách pha cà phê ngâm ủ lâu đời.
Tuy nhiên, dù ở câu chuyện nào thì người Pháp cũng là mối liên kết giữa cây cà phê và phin với người yêu cà phê Việt. Tạo tiền đề cho việc cải tiến thành Vietnamese Filter với chiếc phin có phần đáy nhỏ hơn, giúp cafe chiết xuất ra có hương vị đậm đà hơn. Cafe phin có hương vị đậm đà, thơm ngon, và là một thức uống rất hợp với thời tiết nóng ẩm của Việt Nam. Cafe phin thường được pha với sữa đặc hoặc đường, tùy theo sở thích của mỗi người. Từ đó hình thành văn hoá cà phê phin nổi tiếng ngày nay.
2. Văn hoá cà phê phin ra đời
Nhờ đất đai thổ nhưỡng phù hợp, cây cafe đã được trồng rộng rãi và phổ biến hơn ở nước ta, do đó giá cafe hạ xuống làm cafe - thức uống từng được xem là lạ lẫm và xa xỉ của người Pháp cũng dần phổ biến trong cộng động người Việt.
Ảnh sưu tầm
Thời đó, cafe “cóc” trở thành một hình ảnh quen thuộc với các thế hệ 7x, 8x Việt Nam. Các quán cafe này luôn ở các góc đường hoặc nép mình khiêm tốn trên các vỉa hè với những bộ bàn ghế nhỏ nhắn vừa đủ ngồi. Có lẽ vì thế mà chúng được gọi với cái tên dân giã là “cafe cóc”. Những quán cafe cóc là một nét văn hóa đặc trưng của Việt Nam. Đây là nơi mọi người có thể tụ tập, hàn huyên tâm sự, hay đơn giản là tận hưởng một ly cafe nóng hổi, đắng, đậm.
Tại nhiều con đường ở Sài Gòn, Hà Nội lúc bấy giờ, không khó bắt gặp những quán cafe không tên, vài chiếc ghế gỗ con con xếp ngẫu hứng đủ để ngồi hoặc lấy làm bàn cho đôi ba ly cafe. Dù là ở những góc phố yên tĩnh hay bên những con phố lại qua tấp nập thì khi ngồi bên ly cafe, người ta bỗng hóa trầm ngâm, suy tư đến lạ lùng.
Ảnh sưu tầm
Người Hà Nội ưa chuộng những ly cafe pha phin đậm đặc. Cafe ngon với người Hà thành phải là những ly cafe pha trong phin được vặn chặt. Nhiều người còn muốn cafe được ngấm đều nên tỉ mỉ múc từng muỗng nước sôi cho vào phin. Cafe pha phin đến ngày nay vẫn tồn tại và được nhiều người bình chọn là một cách pha cafe ngon và thú vị nhất.
Trong những năm gần đây, văn hóa uống cafe phin ở Việt Nam đã có những thay đổi. Giới trẻ ngày càng chuộng cafe pha máy hoặc cafe hòa tan hơn, bởi hương vị nhẹ nhàng, phù hợp với khẩu vị của người trẻ. Tuy nhiên, cafe phin vẫn là một nét văn hóa đặc trưng không thể xoá nhoà trong đời sống tinh thần của người Việt. Mỗi vùng miền Việt Nam lại có cách thưởng thức cafe khác nhau. Phổ biến nhất ở Việt Nam vẫn là cafe pha phin. Người miền Nam thì thích uống cafe đá cho nhiều đường, sữa để gia tăng vị ngọt. Trong khi đó người miền Bắc lại thích uống cafe đậm đặc trong cốc nhỏ, thưởng thức ngay khi còn nóng.
Văn hóa thưởng thức cafe nói chung và cafe phin nói riêng của người Việt Nam rất độc đáo và tinh tế, cũng nhờ đó cafe Việt Nam nhiều năm nay đã khiến cho bạn bè quốc tế hết sức say mê. Không ít du khách khi đến Việt Nam đã phải đi tìm và thưởng thức cho bằng được một ly cafe pha phin kiểu Việt.
Có thể thấy, trong từng giọt cà phê đen tí tách chứa đậm trong đó không chỉ là hương vị đắng thân quen mà còn chứa những câu chuyện văn hoá, những nét đẹp trong thưởng thức cà phê đường phố Việt Nam. Hình thành nên những nét sống thẩm mỹ, đậm đà bản sắc dân tộc đáng quý mà chúng ta vẫn đang tiếp nối, giữ gìn và phát huy.