CÔNG VIÊN ĐỊA CHẤT ĐẮK NÔNG
Công viên địa chất Đắk Nông là một công viên địa chất có diện tích 4.760 km², trải dài trên địa bàn 5 huyện: Krông Nô, Cư Jút, Đắk Mil, Đắk Song, Đắk Glong và thành phố Gia Nghĩa thuộc tỉnh Đắk Nông, Việt Nam.
Nguồn ảnh: 123tadi
Với khoảng 65 điểm di sản địa chất, địa mạo, bao gồm hệ thống gần 50 hang động với tổng chiều dài hơn 10.000 m, các miệng núi lửa, thác nước..., Công viên địa chất Đắk Nông từ lâu đã nổi tiếng là một vùng đất đỏ trù phú với hệ sinh thái rừng nhiệt đới, nơi lưu giữ các giá trị đặc trưng về đa dạng sinh học, nhiều nét độc đáo về văn hóa, địa chất, tự nhiên cũng như dấu tích hoạt động của người tiền sử.
Hiện nay, đây là Công viên địa chất toàn cầu thứ ba tại Việt Nam, sau Công viên địa chất Cao nguyên đá Đồng Văn (tỉnh Hà Giang) và Công viên địa chất Non nước Cao Bằng (tỉnh Cao Bằng).
Công viên địa chất này được UBND tỉnh Đắk Nông ra quyết định thành lập vào tháng 12 năm 2015 với mục tiêu bảo tồn di sản và phát triển bền vững kinh tế xã hội của địa phương.
Ngày 7 tháng 7 năm 2020, Ủy ban chương trình và quan hệ quốc tế của Hội đồng Chấp hành Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) đã thông qua quyết định của Hội đồng Công viên địa chất toàn cầu công nhận Công viên địa chất Đắk Nông của Việt Nam là Công viên địa chất toàn cầu.
Nguồn ảnh: Cônglý
“Trường ca của Lửa và Nước”
Thác Đray Sáp
Nguồn ảnh: Vntrip
Điểm nổi bật nhất làm nên tuyến du lịch độc đáo“Trường ca của Lửa và Nước” là hệ thống hang động núi lửa bazan hoang sơ, phân bố dọc sông Krông Nô được phát hiện từ năm 2007. Đây là hệ thống hang động núi lửa dài và đẹp nhất Đông Nam Á, có hàng chục hang động lớn nhỏ khác nhau với tổng chiều dài khoảng 25 km từ miệng núi lửa Buôn Choáh dọc theo sông Sêrêpốk đến khu vực thác Đray Sáp. Bên trong các hang động có nhiều cấu tạo đặc trưng của quá trình phun trào núi lửa như ngấn dung nham, dòng chảy dung nham, hố sụt cùng các di tích thực vật và quá trình đông cứng dung nham bazan xảy ra cách đây hàng triệu năm. Hệ thống hang động núi lửa Krông Nô còn có nhiều di vật khảo cổ là bằng chứng con người tiền sử sinh sống tại đây từ hậu kỳ đồ đá cũ (6.000 năm) đến hậu kỳ đá mới và sơ kỳ kim khí (4.000 đến 3.000 năm trước công nguyên).
“Bản giao hưởng của làn gió mới”
Tại đây du khách sẽ được khám phá núi lửa Băng Mo gắn liền với truyền thuyết của người dân bản địa liên quan tới tín ngưỡng đa thần. Núi lửa Băng Mo có hình dạng tương đối tròn và rõ nét, đường kính 242 m, cao 40 m và dốc 15o ở độ cao khoảng 407 m so với mực nước biển. Miệng núi lửa khá tròn trịa và có thể tìm thấy xỉ, tro, đá điển hình của kiểu phun trào trung tâm. Với bề mặt đá mới bị phong hóa một phần (những mảnh đá bazan còn tươi vẫn nằm rải rác trên bề mặt miệng núi lửa) và hình dạng miệng núi lửa vẫn còn rõ nét, núi lửa này có lẽ trẻ hơn nhiều, được hình thành khoảng 200.000-600.000 năm trước.
Ghi đậm dấu ấn trong“Bản giao hưởng của làn gió mới” còn có Cầu Serepok, nơi ghi dấu lịch sử phát triển của vùng đất và con người Tây Nguyên, được chính quyền thực dân Pháp xây dựng vào năm 1941 và vắt kiệt sức lao động của các tù chính trị và người dân địa phương trong suốt 16 năm. Đây là bằng chứng lịch sử cho sự kiện quân và dân ta mở mũi tiến công quan trọng tiến về giải phóng Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), hướng về Sài Gòn (nay là Thành phố Hồ Chí Minh) giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Đồng hành cùng người dân Tây Nguyên xây dựng và phát triển kinh tế, cây cầu này vẫn còn khá nguyên vẹn cho dù đã trải qua hơn 100 năm tồn tại. Đến nay mặc dù không còn được sử dụng, nhưng nó vẫn còn đó trong ký ức về một thời kỳ lịch sử của nhiều thế hệ người dân địa phương sống hai bên sông.
Núi lửa Thuận An
Nguồn ảnh: UBND huyện Đắk Lil
Rảo bước qua cầu Sêrêpốk, hành trình “Bản giao hưởng của làn gió mới” còn thu hút du khách với nhiều điểm du lịch hấp dẫn như: Núi lửa Ea T’ling, Làng người Ê đê, Thác Trinh Nữ, Vườn xoài Đắk Mil, Nhà ngục Đắk Mil, Di tích lịch sử đường Trường Sơn và điểm khai thông liên lạc đường Bắc Nam, Rừng cao su, Trang trại nông nghiệp organic Thu Thủy, Điểm tiếp xúc dung nham và cát kết, Mỏ đá Saphia Trường Xuân, Núi lửa Thuận An, Hồ Tây Đắk Mil, Đồi chiến thắng 722 Đắk Sắk…
“Âm vang từ trái đất”
Đây là tên gọi của tuyến du lịch thứ ba và cũng là tuyến cuối cùng trong hành trình chinh phục công viên địa chất Đắk Nông. Tuyến du lịch này mang đến những trải nghiệm về cảnh quan thiên nhiên như: Triển lãm các loại cà phê, Bảo tàng văn hóa Đắk Nông, Chùa Pháp Hoa, Điểm gỗ hóa thạch, Nhà trưng bày đàn đá, Nhà trưng bày cồng chiêng của người Mạ, Thác đá cột Liêng Nung, Cây thần linh, Trạm thủy điện, Điểm cảnh quan hồ Tà Đùng, Quán cà phê ngắm cảnh, Miếu thần đá, Cảnh quan thác nước granite, Vườn sầu riêng... và thưởng thức nhạc cụ truyền thống dân tộc tại nhà trưng bày các nhạc cụ cổ xưa, cồng chiêng người Mạ và nhà triển lãm âm thanh...
Dừng chân tại nhà triển lãm âm thanh, bạn sẽ có thể chiêm ngưỡng và lắng nghe 7 loại âm thanh khác nhau từ âm thanh của đá, âm thanh của nước, âm thanh của gió, âm thanh của gỗ, âm thanh của lửa, âm thanh của ánh sáng và âm thanh của chính chúng ta cùng với các nhạc cụ của đồng bào tại Tây Nguyên. Tất cả sẽ bạn kinh ngạc bởi chúng ta sẽ không thể ngờ rằng những âm thanh nó lại được phát ra như thế, nó sẽ đem lại cho bạn những trải nghiệm khó quên khi ở nơi đây.