ĐỌT MÂY LÁ BÉP - đặc sản “ngọt bùi đắng nhẫn” của Đắk Nông
Trong các món ăn của người dân Đắk Nông và dân tộc thiểu số tại chỗ, đặc sắc nhất chính là những món ăn được chế biến từ đọt mây lá bép - thức quà giản dị mà khiến ai cũng luyến lưu hương vị.
Ảnh: Báo Đắk Nông
1. Đọt mây - món quà của núi rừng
Đọt mây hay còn gọi là măng non, lá bép còn gọi với cái tên lá nhíp đều là những nguyên liệu quý báu của núi rừng. Từ lâu, đồng bào M'Nông, Mạ, Ê đê trên Cao nguyên M'Nông Đắk Nông đã kết hợp các loại cây mọc hoang dại và chế biến ra nhiều món ăn hoang dã, thơm ngon mà không kém phần bổ dưỡng. Đọt mây lá bép cũng là một trong số đó.
Ảnh: Báo Đắk Nông
Đọt mây là phần ngọn của cây mây. Đây là loại cây mọc tự nhiên trong rừng với gai góc tua tủa. Cây mây với đặc tính bền, chắc, không bị mối mọt nên vốn dĩ là nguyên liệu dùng trong các sản phẩm đan lát, thủ công của đồng bào nơi đây. Cây mây mọc ở nơi đất cao trên núi. Việc đi lấy đọt mây tốn nhiều công sức nên đồng bào xem đây là sản vật quý báu của núi rừng. Sau khi chặt từ rừng về, mây bóc tách vỏ, chỉ lấy phần đọt non phía trên làm thức ăn là đã có nguyên liêụ chế biến các món ăn khác.
Ảnh: Báo Đắk Nông
Đọt mây khi chế biến có vị đắng, sau là ngọt, bùi, béo tạo hương vị rất riêng. Khách phương xa lần đầu tiên được thưởng thức đọt mây sẽ thấy vị đắng hơn cả khổ qua. Phần nõn bên trong thơm phức của đọt mây nướng ăn kèm muối ớt cộng tạo nên cảm giác khó quên. Nhưng chỉ cần ăn thêm lần thứ hai, cái đắng sẽ nhanh chóng giảm đi, xen đó là vị ngọt, mát, giòn, mùi thơm dễ chịu.
Ngoài ra, nguyên liệu này còn có thể biến tấu thành nhiều món ăn hấp dẫn như đọt mây nấu cháo, nấu lẩu, xào thịt bò, hầm xương hoặc giã nát rồi nấu với cá khô, lá nhíp trong ống tre... Nổi bật và được yêu thích nhất là món đọt mây nướng than hồng hoặc than hoa, chấm với muối hột dầm ớt hiểm (ớt thóc), vắt thêm chút nước chanh, cắn một miếng vừa thơm lại rất giòn.
2.Lá bép - hương vị của Tây Nguyên
Lá bép có trong nhiều món ăn truyền thống như canh thụt, canh bồi, om cà đắng… Với các món ăn khác nhau, có thể chọn lá bép già hay lá bép non để chế biến. Đồng bào quan niệm, hái lá bép non sau ngày mưa là tốt nhất. Lúc này lá rất sạch, dùng nấu ăn sẽ giữ đúng hương vị đặc biệt của núi rừng.
Lá bép dài, có độ bóng nhẹ, lá còn non thì màu vàng đất hoặc hơi đỏ hồng, lá già hơn thì có màu xanh lục, nhìn hơi giống lá xoài non nhưng ngắn hơn. Khi nấu chín ăn có vị chát nhẹ, ngọt thanh và dai giòn. Món rau này thì không ăn sống mà phải nấu chín để có thể chế biến dễ dàng.
Ảnh: Báo Đắk Nông
Lá bép khi nấu chín có vị dẻo, ngọt và bùi. Vì vậy, món canh thụt có sự tổng hòa của vị ngọt, bùi, đắng, nhẫn, cay… Lúc ăn với cơm, chỉ cần nếm một ít canh thụt cũng thấy ngon, đủ vị trong một món ăn. Đặc biệt là sự cay nồng của ớt kích thích vị giác của người thưởng thức. Những người con đi xa nhà luôn thích thú khi được thưởng thức canh thụt vào ngày sum họp gia đình. Bởi món ăn này đã đi vào tâm thức của người con M’nông, Mạ, Ê đê.
Ảnh: Hưng Thịnh - TTXVN
Từ nguyên liệu chính từ lá bép và đọt mây, với cách chế biến khác nhau tạo ra các món ăn có hương vị riêng như canh thụt, canh bồi, lẩu lá rừng, đọt mây nướng chấm muối ớt, gỏi đọt mây thịt ba chỉ, đọt mây xào thịt, đọt mây lá bép xào lòng bò… Những món ăn này trở thành đặc sản trong ẩm thực truyền thống tỉnh Đắk Nông. Người M’nông hay Mạ, Ê đê có nhiều cách chế biến, tạo hương vị riêng cho món ăn của dân tộc mình. Các món ăn có tên gọi khác nhau, nhưng nhìn chung vẫn có cách chế biến và nguyên liệu chính giống nhau.
Có thể nói, những món ăn mang đậm hương vị của núi rừng đang dần được cải tiến, “cách tân” tạo nên một trào lưu ẩm thực mới tại các nhà hàng, quán xá, đem lại cho thực khách một hương vị hoàn toàn mới lạ, khó quên.