Sử thi Ot N'Drong của người M'Nông tại Đắk Nông
1, Sơ lược về địa phương - Đắk Nông:
- Đắk Nông là vùng đất cổ, nằm trên cao nguyên M’Nông, phía Tây Nam vùng Tây nguyên, đoạn cuối dãy Trường Sơn, có độ cao trung bình từ 600 - 700m, có nơi lên đến 1.970m so với mực nước biển. Là nơi sinh sống lâu đời của các dân tộc bản địa như M’Nông, Mạ, Ê đê …, theo chế độ cộng đồng, thị tộc, bộ lạc, trải dài trên một địa bàn rộng lớn.
Bản đồ địa bàn tỉnh Đắk Nông. Ảnh: baohanhchinh.com
2, Văn học dân gian Đắk Nông:
- Dân tộc M’nông là chủ nhân của kho tàng văn học dân gian rất phong phú và đa dạng. Ngoài thể loại sử thi được cho là có số lượng đồ sộ và chất lượng độc đáo thì hầu hết các thể loại thuộc loại hình văn học dân gian đều có ở dân tộc M’nông như thần thoại, truyền thuyết, cổ tích, ngụ ngôn, ca dao - dân ca, thành ngữ…
- Văn học dân gian của người M’nông, cũng giống như văn học dân gian của nhiều dân tộc khác, rất khó xác định thể loại một cách rạch ròi.Thật khó xác định nó là thần thoại, truyền thuyết hay cổ tích, là ca dao - dân ca hay là thành ngữ, tục ngữ… Một tác phẩm nhưng lại mang trong nó đặc điểm của nhiều thể loại khác nhau. Do vậy mà ở đây, ta không phân chia văn học dân gian M’nông thành những thể loại cụ thể mà tạm thời chia nó thành hai loại: những tác phẩm thuộc loại hình văn xuôi tự sự và những tác phẩm thuộc loại hình văn vần (tất nhiên sự phân loại này cũng chỉ mang tính tương đối). Đối với các nhà nghiên cứu đi trước, ngay cả khi họ chia văn học dân gian M’nông thành những thể loại cụ thể giống như khi nghiên cứu văn học dân gian của người Kinh (người Việt) thì chúng ta vẫn thấy ở họ sự lưỡng lự, thiếu minh định. Đỗ Hồng Kỳ trong sách Văn học dân gian ÊĐ Mơ Nông đã viết: “tìm hiểu truyện cổ M’nông mà tách bạch ra từng loại hình như thần thoại, truyền thuyết, cổ tích, v.v… là một việc làm khiên cưỡng” (Đỗ Hồng Kỳ, 2008, tr. 20).
- Như trên đã nói, dân tộc M’nông có một kho tàng văn học dân gian rất phong phú, đa dạng và độc đáo. Những truyện này phản ánh nhận thức quá khứ xa xăm của con người về vũ trụ và nhân sinh, những dấu vết hoạt động của con người trong xã hội nguyên thuỷ.
- Văn học dân gian M’nông đã được nhiều người quan tâm sưu tầm, nghiên cứu và đạt được nhiều kết quả đáng trân trọng, tiêu biểu như Truyện cổ M’nông do Y Thi, Trương Bi sưu tầm và biên soạn, Sở Văn hoá - Thông tin Dak Lăk ấn hành năm 1985, gồm 15 câu chuyện, Truyện cổ M’nông (tập 2) do Tấn Vịnh, Điểu Kâu sưu tầm và biên soạn, Sở Văn hoá - Thông tin Dak Lăk ấn hành năm 1995, gồm 13 câu chuyện.
- Kho tàng văn học dân gian là tấm gương phản chiếu thế giới quan, nhân sinh quan của dân tộc M’nông. Qua văn học dân gian, chúng ta còn biết được tư tưởng, tình cảm và những ước mơ của họ về một cuộc sống sung túc, giàu có, đông vui, với những kỳ lễ hội quanh năm suốt tháng… Tuy nhiên, hiện nay, môi trường, không gian diễn xướng gần như đã không còn để cho những sinh hoạt văn hóa dân gian được diễn ra một cách tự nhiên trong cuộc sống của cộng đồng. Điều này đặt ra cho chúng ta nhiệm vụ phải tìm ra những giải pháp căn cơ để các sinh hoạt văn hóa dân gian M’nông cũng như của các dân tộc khác có thể tồn tại và phát triển được trong bối cảnh xã hội hiện đại.
3. Kho sử thi M’Nông ”sống” tại Đắk Nông- Nghệ nhân Thị Mai
Nghệ nhân Thị Mai (sinh năm 1975), ở bon Bu Prăng, xã Đắk N'Drung, huyện Đắk Song được ví như cây sử thi sống trên cao nguyên M'Nông. Bởi hiện nay, nghệ nhân Thị Mai đang lưu giữ một kho tàng vô giá các tài liệu, băng ghi âm... về văn hóa truyền thống đặc sắc của dân tộc mình.
Sinh ra trong gia đình có bố là cố nghệ nhân Điểu Kâu cùng các chú là Điểu K’lung, Điểu K’lứt thuộc hàng vạn câu Ót n’drong của người M’nông nên từ nhỏ, Thị Mai thừa hưởng, học hỏi nhiều điều hay về các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình.
Từ năm 2005 đến nay, Nghệ nhân Thị Mai đã dành thời gian nghe, ghi chép lại các bản sử thi bằng song ngữ Việt – M’nông. Bằng cách này, Thị Mai đã dịch và thuộc hàng ngàn câu văn vần, những bài sử thi đồ sộ của văn hóa M’nông. Hiện nay, ngoài những bộ sử thi quý hiếm, Thị Mai còn sưu tập gần 1.000 bài ca dao, dân ca của dân tộc M’nông và gần 500 món ăn của người M’nông.
Theo Nghệ nhân Thị Mai, để có được những sưu tập quý giá ấy, Nghệ nhân đã phải bỏ cả công việc nương rẫy để thực hiện những chuyến đi dài ngày đến những bon làng đồng bào M’nông ở trong và ngoài tỉnh như Đắk Lắk, Bình Phước gặp gỡ các nghệ nhân nghe kể, hát ghi băng, chép lại bằng tiếng M’nông rồi dịch ra tiếng Việt.
Trải qua hàng chục năm, giờ đây Thị Mai không chỉ thuộc hàng vạn câu Ót n’drong mà còn biết diễn tấu cồng chiêng, dệt thổ cẩm, hát dân ca…
4. Một đoạn tiếp đón khách trong sử thi M’Nông
Khái quát về tục đón tiếp khách của người M’Nông:
Trong đời sống dân tộc M’Nông, trước khi khách tới chơi, ông già làng sẽ chỉ đạo các cô gái, chàng trai trước khi tiếp tiếp đón khách phải mặt bộ đồ đẹp. Con gái chuẩn bị chày, cối, nia để giã gạo, sàng gạo, nấu cơm để tiếp khách. Chàng trai bê ché rượu cần, đi chặt lá, khiêng nước cắm ché rượu cần. Các chàng trai và cô gái được xem như là đã hoàn thành hết nhiệm vụ mà ông già làng đã giao.” Thưa ông, mọi việc chúng con làm đã xong rồi, chúng con xin giao lại cho ông già làng”. Sau đó, ông già làng mời khách cắm ché rượu cần, ăn ẩm thực đặc sắc của dân tộc M’Nông như cơm lam, thịt nướng,..Trong bữa ăn uống, ông già làng sẽ trao đổi công việc hay những chuyện cần nói với khác .
Những cuốn sách sử thi M’Nông đã được in và xuất bản
Nghệ nhân Thị Mai đang dịch một đoạn sử thi tiếng M’Nông sang Tiếng Việt
Một đoạn tiếp đón khách trong sử thi M’Nông
Buổi sáng bàn chuyện cán cào
Buổi chiều bàn chuyện cán rìu
Buổi trưa kể chuyện anh hùng
Trời sáng trăng kể chuyện anh N’du
Kể chuyện N’du hằng ngày không hết
Kể chuyện Tiāng hằng ngày không hết
N’du lâu đời người đen thui
Yang lâu đời người đen thui
Tiāng lâu đời người đen thui
Ta không kể về chuyện N’du và Tiāng
Ta kể chuyện về Bon Anh Tiāng
Ta kể chuyện về Bon Anh Yang
Ta kể chuyện về Bon Anh N’du
Tiāng chỉ đạo đàn em của mình
Yang chỉ đạo đàn em của mình
Hỡi đàn em nghe đây ta nói
Người ở trên xuống đây nghe bảo
Người ở dưới lên đây nghe nói
Người trẻ con lên đây tôi bảo
Họ nghe lời đứng dậy tới Tiāng
Họ đứng lên từng đoàn từng lớp
Người từ trên xuống đất gặp Tiāng
Người từ dưới lên trên gặp Tiāng
Lớp trẻ con lên gặp ông Tiāng
Ở nhà Tiāng trên dưới đầy chật
Nhà Tiāng chật trải chiếu không hết
Đàn trẻ nhỏ chỗ ngủ không đủ
Voi Năm Hắt bước vào không nổi
Tiāng kể chuyện càng kể càng hay
Tiāng kể chuyện như râu mới mọc
Tāing kể chuyện như chắc đóng củn
Tiāng kể chuyện thắt núi thắt rừng
Hỡi đàn em cô gái xinh đẹp
Hỡi đàn em chàng trai trai tráng
Đàn cô gái đeo vòng rút trên chân
Hỡi chàng trai đeo vòng tòng trên chân
Cô gái đẹp cuốn vào Ô Em Nố
Ô Em Nố thắt lưng nàng
Thắt cổ chân tay đeo vòng N’Lăn
Thắt trong người đeo vòng Prep Reng
Hãy nấu cơm, nấu canh đón khách
Những dòng sử thi trên thể hiện sự hiếu khách, niềm nở chào đón cũng như tôn trọng khách. Việc gặp gỡ những vị khách là niềm vinh dự đối với người M’Nông nên việc đón tiếp cũng được chuẩn bị rất chu đáo một phần nào đó thể hiện được tính cách của con người M’Nông chất phác, hiền lành và phóng khoáng thể hiện trong chính đời sống hoạt và sản xuất. Đây chính là kho tàng đời sống văn hóa cũng như tinh thần quý giá không chỉ của đồng bào M’Nông mà còn chính của Tây Nguyên. Mỗi chúng ta đều có trách nhiệm hiểu biết để gìn giữ và lưu truyền nó không bị mai một trước tình trạng khan hiếm nghệ nhân biết bết sử thi M’Nông cũng như sự phát triển cuồng quay của thời đại.